Nẻo Về Của Ý

 04:01 AM, 27/08/2019

Đêm xuống Nóc Răng Chuỗi, ở độ cao 964m so với mực nước biển, tôi ngồi bên bếp lửa nghe củi khô nổ lép bép dưới ấm nước cũ đầy mụi than đen kịt, không wifi, không sóng điện thoại, không truyền hình tivi,... không một thanh âm phố thị nào lọt đến chốn hoang thiên sâu thẳm này, ánh trăng im lìm dẫn cho đôi mắt tôi ngắm nhìn hình dáng của màn đêm nơi núi rừng, tôi nghe văng vẳng trong thinh lặng một trích đoạn trong cuốn NẺO VỀ CỦA Ý được viết bởi thầy Thích Nhất Hạnh:

 "Có những giây phút chỉ xảy đến một lần hoặc vài lần trong đời, xảy đến như sự xuất hiện của một vị sứ giả của chân như, một thông điệp của thực tại, và nếu ta vô tâm, ta sẽ để cho chúng đi qua và không bao giờ trở lại. Bí quyết của Thiền tông chắc hẳn là ở chỗ khám phá được đường đi nẻo về của những giây phút như thế và sửa soạn, cống hiến cơ hội cho chúng trở lại. Và cuối cùng, làm cho ánh sáng rạng rỡ của nó tỏa chiếu rạng rỡ trong một chuyến trở về, không từ đâu tới mà cũng sẽ không đi về đâu..."

Chuyến hạnh nguyện Nẻo về của ý chính là cơ duyên mang chúng tôi đến giữa không gian này, như một sự kì diệu để tìm lại kí ức của rừng Phương Bối, như là đang nắm tay thầy cùng rong chơi, bước từng bước thảnh thơi trên những lá cỏ xanh, thưởng thức vẻ đẹp thiên nhiên trong trẻo của rừng B’Lao được thầy miêu tả trong hồi kí.

Thiên nhiên Nam Trà My đã có mặt thật âm thầm để ghi dấu câu chuyện về những mảnh đời của người Ca Dong nơi đây. Bằng bàn tay thô ráp của sự khắc nghiệt, mảnh đất Trà Tập sản sinh ra những dốc núi khô khốc đầy đá, xen lẫn với suối khe chia cắt văn minh, và đồng thời cũng nuôi dưỡng những đứa trẻ với đôi mắt to tròn thơ ngây rợp dưới hàng mi dài cong vút lớn lên hoang dại. Những thanh niên vừa mười chín đôi mươi gương mặt đã vội khắc lên nếp dấu lo toan cho gia đình, những cô gái bụng to vượt mặt áo quần xộc xệch, nách kẹp theo một đứa con nhỏ xíu chưa dứt sữa, những đứa trẻ 9, 10 tuổi nhưng chỉ bé bằng trẻ lớp 1 theo chuẩn thành phố, đã xuống chân núi từ sớm để đợi đoàn chúng tôi, xót thương thay khi nhìn những kiện hàng 20-30kg oằn lên vai những con người gầy gò thiếu ăn, kể cả đang mang thai hay còn nhỏ xíu chưa cao hơn cây chuối non, nhưng biết làm sao khi sức người có hạn mà tấm lòng thì quá bao la, tịnh tài tịnh vật vượt quá sức tải của cả đoàn tình nguyện viên.

Chẳng có con đường nào khó, chỉ có chân ngại lối xa, nhưng để đến được Nóc Răng Chuỗi, có những đoạn chúng tôi buộc phải bò với cả 2 bàn tay bấu chặt vào đất, men theo những vết chân trần mà người Ca Dong hàng ngàn hàng triệu lần đạp lên thành gờ, những bậc gờ đỏ quạch màu đất feralit chỉ nhỏ bằng bước chân và cách nhau bằng những sải chân ở góc thẳng đứng, một bên là vách núi, một bên là vực sâu, chỉ với 1 cơn mưa nhỏ cũng có thể biến lớp đất dưới chân thành vũng lầy, tôi không thôi tưởng tượng đến cảnh có ai đó sẽ bỏ mạng nơi vách núi vào một ngày mưa trơn trợt chỉ vì leo bộ xuống núi đổi vài buồng chuối, vài củ măng lấy con cá hay mua vài hạt muối ăn cơm, những đứa trẻ theo mẹ đi làm rẫy làm rừng vào mùa đông giá rét, với manh áo cũ sờn được nhận từ trẻ con thành phố, những hình siêu nhân in trên áo chỉ còn lại là mấy đốm màu nhuộm xanh đỏ bàng bạc pha lẫn bùn đất, không mũ nón không giày dép, nếu không may trượt chân rơi xuống đó, liệu có siêu nhân nào tồn tại để cứu giúp lũ trẻ không?

Đứng trước những con dốc cao hiểm trở mỗi lúc mỗi khó đi đòi hỏi sự chinh phục không ngừng nghỉ, những buồn lo cuộc sống trong lòng bao lâu nay dường như đã tiêu biến để nhường chỗ cho hiểu biết và tình thương, tôi như được sống thêm một lần nữa, tựa như giấc mơ, khi những ân cần yêu thương tràn ngập trong từng khoảnh khắc cùng người đồng bào chia sẻ những bước chân nghị lực, mang hơn 2 tấn hàng quyên góp bởi hàng trăm tấm lòng của các mạnh thường quân, các sư thầy sư cô và quý phật tử, từ chân núi lên đến nóc, chúng tôi đã cùng hít thở hương núi rừng, vục mặt vào khe suối uống dòng nước mát lạnh khi thấy khát, hái bưởi rừng, chanh rừng, chuối rừng để tiếp sức khi thấy mệt, chia nhau những cành mía bẻ dọc đường khi thấy đói, cùng động viên nhau hãy cố lên, hãy tiến hơn nữa về phía trước, khoảng cách địa vị, học vấn, tiền tài,... Chẳng còn tồn tại trong cuộc hành trình hạnh nguyện, ta bỗng thấy đời thơm ngát như cánh sen giữa đồng được tưới tẩm sương mai, "mỗi bước chân đi như hôn vào mặt đất", tim say yêu cơn gió vô ngàn. Khi hoàn toàn ngắt kết nối với công nghệ, những giác quan tồn tại trong cơ thể trở nên tinh nhạy, làm cơ sở cho những xúc cảm trỗi dậy, để ca tụng một hương thơm, một cánh hoa dại, một chiếc lá rơi, một cơn gió lành, và sau đó là nụ cười xen lẫn nước mắt của đời người Ca Dong gắn với núi rừng. 

Hạnh phúc lúc này trở nên đơn giản như đường đi nẻo về ta đã quen thuộc nhưng chẳng bao giờ nhận ra, nhìn chú tiểu Bin dù mới 6 tuổi nhưng cũng lặn lội theo sư thầy Tâm Mẫn và gia đình phật tử lên đến nóc bình an và vui khoẻ cũng thấy hạnh phúc, những nắm lá rau rừng hái dọc đường đi được làm thành món gỏi rau rừng ăn ngon lành cũng khiến ta hạnh phúc, vượt qua bao nhiêu con dốc, lội qua bao nhiêu khe suối, ngẩng đầu lên nhìn thấy đích đến trước mặt cũng là hạnh phúc vô bờ.

30 hộ dân và 64 em nhỏ lần lượt lên nhận quà, nào gạo, dầu, mì gói, sữa tươi, nào xà bông, bột ngọt, chăn ấm, đường ngon,... vai vác bao quà nặng trĩu, tay nắm chặt phong bì tiền mà miệng cười toe cảm kích, đó cũng là một hạnh phúc giản đơn, người lớn trẻ nhỏ đều háo hức được trải nghiệm salon tóc của anh Hải, anh Thảo, anh Lành Dòng Thời Gian, chị Hậu, salon móng của mấy bạn gái xinh, các em xúm xít nhảy múa hát ca, háo hức tham gia trò chơi cùng các TNV, ngỡ ngàng khi lần đầu được ăn món bánh canh Hiểu và Thương có xương thịt chả trứng ngon lành được nấu bởi ban hậu cần do bếp trưởng Hiền "lãnh đạo", anh Hùng Khơi tả cho tôi hình ảnh của một gia đình đêm hôm ấy anh nhìn qua vách nhà, vợ chồng con cái xì xụp ăn cơm với món cá thu kho mà chúng tôi mang tặng cho mỗi hộ, ánh mắt nụ cười ánh lên sự vui sướng, đời người đánh đổi bao nhiêu thứ mới có niềm hạnh phúc được chứng kiến hạnh phúc của người khác mà do chính ta mang đến, chỉ có tình người, chỉ có tình thương, sự hiểu biết mới là nguồn cơn mang lại hạnh phúc khác thường ấy. 

Đường về chúng tôi gặp chị gái trẻ, hỏi thăm chị đi đâu, chị nghẹn giọng kể bằng tiếng Kinh lơ lớ, rằng đi làm thuê mà người ta không trả tiền công, đi về tay trắng, bụng đói, ko dám đi xuống thành phố làm việc vì sợ bị lừa bán. Anh Trungthao tặng chị lời hứa sẽ cho chị công việc nếu chị xuống thành phố và cần việc làm. Anh Thảo còn mong muốn tặng cả tương lai no ấm cho Nóc Răng Chuỗi khi đề xuất kế sinh nhai làm hồ nuôi cá tự cung cấp cho cả khu vực mà anh sẽ tài trợ kĩ thuật nuôi trồng lẫn cá giống. Tôi mới chợt nhận ra tấm lòng anh lớn quá, có tâm lẫn có tầm. Lòng tốt là thứ người điếc có thể nghe và người mù có thể thấy. Còn tôi thì nương tựa vào quan sát để ghi lại những điều ấy bằng con chữ của cảm xúc.

Sống tức là ở trên một hành trình. Chỉ khi người ta sẵn sàng cho đi không vì một lý do gì và cũng không mong cầu được hồi đáp, nghĩa là người ta đã đủ giàu có và đủ hạnh phúc.
"Quá khứ không còn ở đó, tương lai thì chưa tới, chỉ có duy nhất khoảnh khắc hiện tại, nên hãy học cách vui với hiện tại của mình”

TG: Lin Lin 
#CLBMaunongHieuvaThuong 
CLB Máu nóng Hiểu và Thương Đà Nẵng

Mời bạn tham gia group trên Facebook của CLB Hiểu Và Thương