Thầm lặng những giọt máu hồng
Giản dị và lặng thầm, những bạn trẻ từng ngày sống khỏe, sống có ích và nuôi dưỡng trong mình dòng máu nóng, chỉ để cho đi khi có người cần...
Hơn 2 giờ sáng, chiếc điện thoại luôn để chế độ mở 24/24 của Nguyễn Văn Luận reo vang. Đầu dây bên kia thông báo cần gấp 1 đơn vị tiểu cầu nhóm máu O. Chỉ 10 phút sau, chàng kỹ sư cơ khí 24 tuổi đang làm việc tại khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc (Quảng Nam) có mặt tại Khoa Huyết học - truyền máu Bệnh viện Đà Nẵng để hiến máu.Từ những tháng đầu hè, trên trang mạng của các đội, nhóm, câu lạc bộ hiến máu tình nguyện ở TP.Đà Nẵng đã hoạt động tích cực với các bản tin đăng tải liên tục, kêu gọi hàng trăm đơn vị máu, các nhóm máu hiếm, các nhóm máu đang trong tình trạng báo động.
Hiến máu xong, Luận tranh thủ ra trước cổng bệnh viện ăn vội tô phở cho “lại sức” rồi chạy ngược trở lại khu công nghiệp ở Quảng Nam để vào giao ca.
Tham gia hiến máu rất nhiều lần, từ khi còn ngồi ở giảng đường đại học, nhưng phải đến đầu năm 2017, Luận mới lần đầu hiến tiểu cầu bằng máy. Khi ấy, Luận đang ở quê (xã Bình Quế, H.Thăng Bình, Quảng Nam) và đang tham gia CLB Máu nóng hiểu và thương. Nghe chủ nhiệm CLB báo có ca cấp cứu giảm tiểu cầu đang cần một đơn vị tiểu cầu, Luận liền chạy xe máy ngót 2 tiếng đồng hồ mới ra đến Đà Nẵng để hiến.
Khi Luận nằm ở máy tách tiểu cầu thì cạnh đó, anh Trần Phước Hùng, Chủ nhiệm CLB Máu nóng hiểu và thương, lại đăng liên tiếp các bản tin “khẩn” về nhu cầu máu các nhóm A, O, tiểu cầu nhóm O. “Cần 2 ca hiến tiểu cầu để truyền ngay cho người bệnh”, anh Hùng nói nhanh và hướng ánh mắt ra ngoài hành lang. Trước cửa phòng hiến tiểu cầu bằng máy, nhiều người nhà bệnh nhân đang túc trực.
Người vào đầu tiên là anh Lê Đức Hùng (37 tuổi), thợ điêu khắc đá mỹ nghệ tại Đà Nẵng. Dù công việc đang “vào mùa”, nhưng khi nghe cuộc gọi cần hiến tiểu cầu từ CLB, anh bỏ hẳn một buổi chiều tới lặng lẽ đợi đến lượt mình. “Mình rất bận, nhưng vẫn ưu tiên thời gian cho việc lấy tiểu cầu. Những người cần tiểu cầu của mình không còn nhiều thời gian. Hình như người nhận lần này vẫn là cậu ấy, một bệnh nhân rất trẻ, bị suy tủy giảm tiểu cầu. Mình đã cho tiểu cầu cậu ấy một lần rồi”, anh Hùng nói nhanh trước khi nằm vào máy.
Tiếp sau anh Hùng là một nhân vật quen thuộc: Huỳnh Đức Sơn, người kinh doanh tự do tại Đà Nẵng, từng 15 lần tham gia hiến máu. Cùng lúc đó, tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, Nguyễn Thanh Chung (thành viên CLB Máu nóng hiểu và thương) cũng đang hiến tiểu cầu bằng máy cho một bệnh nhi mắc bệnh lý máu ác tính. Lại có một người ngồi chờ đến lượt mình để hiến tiểu cầu nhóm O: Ngô Văn Thành, thành viên đội Tình nguyện viên máu sống Gia đình phật tử Đà Nẵng, đang làm việc tại khu công nghiệp An Đồn (Đà Nẵng). Cứ thế, ở Khoa Huyết học -truyền máu (Bệnh viện Đà Nẵng), những người như Thành, Luận, Hùng... cứ đến và đi, lặng thầm.
Bác sĩ Phạm Thị Ngọc Ánh, Phó trưởng khoa Huyết học - truyền máu Bệnh viện Đà Nẵng, cho biết những tháng hè lượng máu hiến thường hao hụt vì mất “nguồn” chính từ sinh viên. Đây là thời điểm các CLB hiến máu nóng “lên tiếng”. Khoa huyết học - truyền máu của bệnh viện là nơi cung ứng nguồn máu cấp cứu và điều trị bệnh cho 24 bệnh viện tại Đà Nẵng và một số bệnh viện Quảng Nam, Hội An… “Những bệnh lý ác tính về máu ngày nào cũng cần truyền tiểu cầu, từ 4 - 10 ca mỗi ngày. Người tình nguyện hiến hồng cầu khối thì nhiều, nhưng nguồn hiến tiểu cầu bằng máy chưa được tuyên truyền rộng rãi, trong khi đây là một trong những thành phần máu rất cần trong cấp cứu và điều trị”, bác sĩ Ánh nói.
An Dy
01:40 AM, 14/08/2017