Bạn đã nghe và đã quen với việc hiến máu, bạn có biết về hiến tiểu cầu?
1.Tiểu cầu là gì?
Tiểu cầu là tế bào nhỏ nhất trong máu. Tiểu cầu làm nhiệm vụ đông cầm máu. Người bình thường có khoảng 150.000 - 300.000 tiểu cầu trong mỗi mm3 máu. Tiểu cầu có đời sống trung bình từ 3 - 5 ngày.
2.Lợi ích của hiến tiểu cầu đối với người bệnh?
- Một người hiến tiểu cầu bằng máy chiết tách tự động hay còn gọi là tiểu cầu đậm đặc, mỗi lần hiến được 6 đơn vị tiểu cầu, trong khi người hiến máu toàn phần 450 ml tối đa chỉ điều chế được 01 đơn vị tiểu cầu.
- Truyền tiểu cầu đậm đặc giảm nguy cơ gây xuất hiện các phản ứng miễn dịch, giảm nguy cơ gây lây nhiễm HIV và các bệnh nhiễm trùng cho người bệnh.
3.Hiến tiểu cầu có hại cho sức khỏe không?
Hiến tiểu cầu theo hướng dẫn của bác sĩ sẽ không có hại, lượng tiểu cầu lấy ra khỏi cơ thể sẽ được cơ thể tái tạo lại đầy đủ trong vòng 5 - 7 ngày.
4.Hiến tiểu cầu có bị nhiễm các virus lây qua đường máu không?
Hiến tiểu cầu hoàn toàn an toàn, vì mỗi người hiến sử dụng một bộ kit riêng, quá trình lấy máu, ly tâm, tách tiểu cầu và truyền máu trả lại cơ thể là vòng tuần hoàn khép kín trong bộ lọc riêng, mỗi người hiến xong, bỏ bộ lọc đã sử dụng.
5.Quy trình hiến tiểu cầu như thế nào?
Bạn cần khám và làm xét nghiệm máu trước khi hiến tiểu cầu. Các thủ tục sẽ được thực hiện trong khoảng thời gian 40 phút. Nếu bạn đủ điều kiện hiến tiểu cầu, bạn sẽ được hiến tiểu cầu.
Chu trình hiến tiểu cầu gồm 3 bước:
- Bước 1: Lấy máu, máu được đưa trực tiếp vào máy chiết tách tế bào.
- Bước 2: Máy chiết tách tế bào sẽ ly tâm, tách và giữ lại thành phần tiểu cầu.
- Bước 3: Máy truyền trả lại những thành phần khác như hồng cầu, bạch cầu, huyết tương cho người hiến.
Thời gian hiến kéo dài khoảng 60 - 80 phút.
6.Ai có thể hiến tiểu cầu?
Người đã từng hiến máu và tự nguyện hiến tiểu cầu. Cần đáp ứng các yêu cầu sau:
- Cân nặng ≥ 50kg.
- Số lượng tiểu cầu > 200.000 tiểu cầu/mm3 máu.
- Khoảng thời gian giữa 2 lần hiến tiểu cầu tối thiểu là 4 tuần.
7. Chuẩn bị như thế nào để hiến tiểu cầu cho tốt?
- Đêm trước ngày hiến tiểu cầu không thức khuya, ngủ đủ giấc.
- Không uống sữa, rượu, bia trước khi hiến tiểu cầu.
- 4 giờ trước khi hiến tiểu cầu: ăn nhẹ (ít đạm, ít mỡ).
- Chuẩn bị tâm lý ổn định thoải mái.
Xin vui lòng mang theo giấy chứng minh nhân dân và 02 hình 3 x 4 khi đi hiến tiểu cầu.
8. Chăm sóc sau khi hiến tiểu cầu như thế nào?
- Giữ chế độ ăn uống, sinh hoạt bình thường.
- Hạn chế các hoạt động gắng sức đòi hỏi nhiều thể lực như: bóng đá, tập thể hình, leo trèo,...
- Tăng cường sử dụng các chất dinh dưỡng bổ máu: thịt, gan, trứng sữa.
- Hạn chế sử dụng rượu, bia trong ngày đầu sau khi hiến tiểu cầu.
9. Quyền lợi của người hiến tiểu cầu.
- Được khám, tư vấn sức khỏe.
- Được bồi dưỡng theo quy định.
- Được phục vụ ăn nhẹ sau khi hiến tiểu cầu.
Do nhu cầu sử dụng tiểu cầu trong cấp cứu và điều trị ngày càng tăng. Mặc dù bệnh viện Truyền Máu Huyết Học đã có nhiều nỗ lực trong việc mở rộng nguồn người hiến tiểu cầu, nhưng lượng tiểu cầu thu được vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu cấp cứu và điều trị của hầu hết các bệnh viện trong thành phố.
Các bạn, những người may mắn có sức khỏe tốt, xin hãy chung tay chia sẻ với những người bệnh bằng hành động thiết thực nhất là trở thành người hiến tiểu cầu tình nguyện. ( Nguồn: Bệnh Viện Truyền Máu Huyết Học )
HÃY LIÊN HỆ VỚI CHÚNG TÔI:
0985410006 | Mr Hùng Hotline | 0934782006
www.clbhieuvathuong.com
Zalo: 0934782006
Facebook | Fangage:
https://www.facebook.com/groups/HieuVaThuongDaNang/
https://www.facebook.com/pg/CLBmaunongHieuvaThuong/posts/?ref=page_internal
Email: clbhieuvathuong1981@gmail.com
Địa chỉ: Tổ 64 đường Mai Đăng Chơn, Q. Ngũ Hành Sơn, Tp Đà Nẵng
Địa chỉ: 09 Hùng Vương, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam
10:25 AM, 08/01/2021