❤ Tuổi trẻ - Trải nghiệm - Yêu Thương❤

 02:56 AM, 03/10/2017

Chúng ta sẽ sống như thế nào nếu không có điện thắp sáng vào 6 giờ tối, không có tivi, điện thoại, mạng xã hội hay bất cứ phương tiện gì để tiếp cận với thế giới, không đủ thức ăn, không nguồn nước sạch, không sự trợ giúp về y tế, không một phương tiện giao thông nào đi đến được…

Những con người thành phố hẳn sẽ ngồi khóc trong vô vọng chờ đợi sự giúp đỡ, hoặc sẽ giẫm đạp lên nhau để sinh tồn. Thế nhưng vào những ngày thế giới còn yên ổn, ở một nơi rất xa ánh sáng đô thị, vẫn tồn tại một cuộc sống không khác gì cảnh mà chúng ta xem là ngày tận thế đang song hành, nơi mà cách xa êm ấm no đủ tầng tầng lớp lớp núi rừng sông suối, có những người đàn ông khắc khổ mưu sinh với rừng rú, những người phụ nữ lam lũ với nương rẫy.

Image


Những đứa trẻ chân đất lấm lem ngày ngày đội mưa phơi nắng vượt hàng cây số đất đá dốc sỏi để tìm đến con chữ, và cả những Thầy giáo.. Hiền Thanh TrươngTrương, Cô giáo viên, đầy tâm huyết lẫn tình thương ở tại thôn 3C xã Trà Vinh, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam.

Chúng tôi đi từ trưa đến chiều, lúc nắng gắt lúc mưa dông, côn trùng các thể loại, đặc biệt là vắt thi nhau hút máu cả đoàn, mất gần 5 tiếng mới leo đến nơi, ai cũng thở không ra hơi và 2 chân thì không còn cảm giác gì, chân tay đầy vết tích hút máu, người tê dại đi vì cái lạnh của núi rừng khi đêm xuống.

Tôi nghe và tận mắt nhìn thấy đồng bào nơi đây mỗi ngày đều đi quãng đường vất vả như vậy vài lần để trao đổi buôn bán mưu sinh.

Chúng tôi ăn uống đủ đầy, tập gym tập thể dục đều đặn, chỉ leo 1 lượt đã thấy muốn xỉu, vậy mà những con người nơi đây, họ thiếu ăn thiếu mặc và không được chăm sóc y tế, không hiểu sức lực đâu ra để ngày ngày vượt qua khốn khó.

Trong những đồng bào giúp gùi hàng lên núi cho đoàn, tôi nghe 1 em gái lấy chồng năm 15t kể về việc mẹ mình treo cổ chết, về việc em khao khát được đi học để trở thành cô giáo dạy chữ nhưng lại phải nghỉ học để chăm sóc cha già, về việc chồng em bị u xương cái đầu sưng to như quả bóng phải nhiều lần khiêng xuống bv Ung Bướu nằm, nhưng chỉ sinh thiết để xẹp lại rồi về chứ ko thể cứu chữa được, chỉ đợi ngày chết đi, “nhưng mà người ta ai cũng phải chết đúng không chị?”

Em ấy hỏi tôi bằng cái giọng lơ lớ tiếng Kinh, mà tôi không biết dùng lời nào để trả lời khi nghĩ đến cảnh 1 cô gái 24 tuổi có 2 đứa con nhỏ xíu sắp mất đi chồng, 2 đứa trẻ ngây thơ sắp mất cha. Tôi nghe rằng trẻ em nơi đây lần đầu tiên được biết Trung Thu là gì, lần đầu tiên nghe thanh âm của tiếng trống múa lân, lần đầu tiên thấy con Lân nhảy múa, con Bò nhào lộn, lần đầu tiên thấy chị Hằng( Huỳnh Thị Thùy Linh ) chú Cuội (Nguyễn Đăng Hùng) được chơi những trò chơi vui vẻ trong tiếng nhạc thiếu nhi…

Tụi nhỏ lạ lẫm và hớn hở với những kí ức đầu tiên của tuổi thơ mà lẽ ra chúng xứng đáng được hưởng như những đứa trẻ bình thường ở thành phố. Tôi thấy những cô giáo thầy giáo tuổi đời còn rất trẻ nhưng đã chọn ngôi trường nơi đây để ươm mầm gieo chữ cho trẻ thơ, với bao thiếu thốn và nghịch cảnh.

Tôi thấy những người đồng bào nhiệt tình giúp đỡ chúng tôi vận chuyển đồ đạc, giúp dẫn đường chỉ lối, đặc biệt là 1 anh thanh niên và 1 chú bị câm, trước đó họ đã đi 1 lượt xuống núi, giúp chúng tôi gùi đồ đạc nặng 1 lượt lên núi, rồi lại 1 lượt xuống núi dẫn đường cho 2 thành viên đến sau bị lạc giữa đường lên đến nơi an toàn vào giữa đêm.

Tôi nể phục những bạn thanh niên dù còn rất trẻ nhưng lại có tấm lòng lớn, không ngại khó ngại khổ để làm việc thiện, ngưỡng mộ anh Hai Cattoc Hải cắt tóc dù chân không khỏe như người bình thường nhưng vẫn vượt qua được quãng đường khó khăn, thương chị Hien Tran bị mưa ướt hết hành lí, dù bị sốt mệt nhưng đêm khuya hay 4h sáng vẫn dậy vào bếp để lo bữa ăn cho tụi nhỏ và cả đoàn, lúc về còn bị trật cổ chân nhưng vẫn cố gắng đi để không làm gánh nặng cho ai, cảm ơn anh Trần Phước Hùng và CLB máu nóng Hiểu và Thương đã lên kế hoạch tổ chức chuyến đi, và cả những anh chị em khác, tất cả đều tự vượt qua giới hạn bản thân để mang đến niềm vui Trung Thu cho trẻ em bản làng.

Chúng tôi thật sự có duyên mới có cơ hội để đồng hành cùng với nhau trong chuyến đi dù vất vả nhưng đầy niềm vui và ý nghĩa này, từng cuốn sách, từng bộ quần áo mới, từng chiếc áo mưa, áo ấm, từng chiếc gối nằm, hay gói bánh trung thu đều là tâm sức và tình thương yêu của mọi người gửi đến đồng bào.

Chỉ khi người ta lựa chọn gian khổ để cùng nhau gánh vác, vượt qua thì mới hiểu được rằng từ tâm là yêu thương, là cho đi mà không cần nhận lại.

❤Vui tết Trung Thu❤
( Ngày 30-9 &1-10-2017) 

Thôn 3, xã Trà Vinh, huyện Nam Trà My, Tỉnh Quảng Nam 

Tác giả : TvHvT Huỳnh Thị Thùy Linh 

Mời bạn tham gia group trên Facebook của CLB Hiểu Và Thương