Ý nghĩa của việc làm phụng sự thiện nguyện

 07:17 AM, 30/10/2018

Khi làm công tác từ thiện chúng ta nên nhớ điều này.  Nhiều người có thể bỏ rất nhiều tài vật, năng lực và thời gian ra để giúp đỡ những kẻ đang gặp những hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh. Ban đầu vì tình thương mà họ làm, nhưng sau vì thiếu khả năng kiểm soát tâm tự mãn, cộng thêm những cảm xúc biết ơn và quý trọng của người nhận, đã khiến cho họ mau chóng vướng kẹt vào danh dự, luôn thấy sự quan trọng trong vị trí cho đi của mình.

Họ dễ dàng giận hờn khi người nhận không thể hiện sự niềm nở quan tâm đặc biệt. Họ có thể nổi giận hoặc la hét khi bên kia thực thi không đầy đủ những điều họ đã đề ra. Họ còn tự cho mình cái quyền trách móc, phê phán hay nghi ngờ người kia đã không sử dụng đúng mức tặng phẩm giá trị của mình.

Cho nên nhiều người làm công tác từ thiện lâu năm mà vẫn không có hạnh phúc. Nhân danh tình thương họ đã vung vãi không biết bao nhiêu năng lượng độc hại từ lời nói và hành động đầy uy lực của mình. Đôi khi ta còn chứng kiến vài người làm công tác cứu hộ mà lại tỏ thái độ hất hủi coi khinh kẻ khác. Họ có thể bỏ ra cả khối tiền bạc cho những chương trình ủy lạo đang là tâm điểm chú ý của báo đài, nhưng cũng dễ lạnh lùng trước một đứa bé bất hạnh đói khát giữa đường hay bị tai nạn trong bóng đêm.

Hóa ra làm từ thiện cũng là một loại biểu diễn, trong đó, họ luôn cần khán giả tưởng thưởng nồng nhiệt. Có khi hiến tặng xong thì họ lại sinh tâm hối tiếc, hoặc biểu lộ những phản ứng rất kỳ cục. Tại vì bên nhận đã không tiếp tục vinh danh, ca ngợi và nồng nàn với họ như trước nữa. Trong khi “từ thiện” là việc làm hạnh nguyện  vì chữ hiểu, chữ thương, là tuổi trẻ dấn thân sống có lý tưởng, có nghĩa rất đẹp, đó là hành động làm lợi ích cho kẻ khác xuất phát từ sự rung cảm chân thành của trái tim.

 


Cho nên tính ủy lạo phải chứa đựng tâm từ. Tâm từ là tình thương không điều kiện. Ta không đòi hỏi bên kia phải làm thế này hay thế kia thì ta mới chịu giúp. Thương là cứ thương, giúp là cứ giúp, không phân biệt đối tượng kia là ai, có xứng đáng hay không, vì nó không đứng trên lợi ích của cá nhân.

Không phải trở thành một bậc thánh thì ta mới có tâm từ. Chẳng phải có đôi lúc tâm ta bỗng trở nên rộng lớn, ta chấp nhận hay tha thứ cho người kia một cách rất dễ dàng, đó chính là lúc năng lượng trong ta đang dồi dào. Muốn cho năng lượng dồi dào thì trước tiên ta phải có một nhận thức sáng suốt và một quá trình luyện tập đúng đắn.

Nhận thức sáng suốt là thấy mình phải nhờ vào ân tình của vô số điều kiện trong vũ trụ này thì mình mới có thể tồn tại và hạnh phúc được. Cho nên hãy luôn dễ chịu và tỏ lòng biết ơn tất cả, hãy cố gắng giúp đỡ , hãy cho đi khi mình còn gian khó, đừng hứa rằng khi có mình mới cho, và trong điều kiện có thể để ta và họ không còn sự cách biệt, bởi khi nào xóa bỏ được lằn ranh cao thấp giữa mình và người khác thì lúc ấy tâm của ta mới nhập vào đại thể bao la. Tâm càng lớn thì sự tự do của ta sẽ càng lớn.

Quá trình luyện tập phải bắt đầu từ những lúc bình thường, khi chưa có vấn đề cấp bách xảy ra. Hằng ngày ta nên tập gửi tâm từ của mình đến những đối tượng ở chung quanh.

Mỗi khi chạy bộ trên con đường bóng mát, ta hãy thực tập gửi năng lượng bình an và tình thương đến những hàng cây, mong cho chúng luôn xanh tốt và vững chắc. Khi tiếp xúc với dòng sông, ta hãy gửi năng lượng tươi mát và ngọt ngào theo dòng sông đến tận những miền xa để tô bồi thêm phù sa cho những bên đất lở. Khi nhìn một áng mây trôi ta cũng có thể gửi năng lượng an lạc, nhẹ nhàng trong ta để đám mây kia có thêm sức mạnh làm trách nhiệm đem mưa đến những cánh đồng nho hay những đám mạ non.

Khi thấy một bé thơ đến trường, ta hãy dùng tâm từ để ôm em vào lòng, cầu nguyện cho em giữ mãi lòng thật thà và trong sáng. Khi bắt gặp một người gánh hàng rong bên đường, ta có thể chia sẻ năng lượng ấm áp để an ủi phần nào những vất vả gian lao. Khi nghe tin một người xa lạ đang rơi vào tình trạng bế tắc khổ đau, ta hãy gửi năng lượng tình thương để che chở và cầu nguyện cho người ấy mau thoát nạn.

Khi được tin trận động đất đã cướp đi sinh mạng của hàng vạn người, nếu không có điều kiện cứu hộ trực tiếp, ta hãy buông bỏ bớt sự hưởng thụ, giành nhiều thời gian và tâm lực cho việc tích tụ năng lượng an lành phóng tới nơi ấy để kịp thời góp phần xoa dịu. Vài trăm bạc gửi đi cũng không bằng tình thương của ta được thể hiện trong vài ngày hay một tuần lễ sống vì những nạn nhân ấy.

Bởi năng lượng tâm từ rất mầu nhiệm, một khi được phóng ra từ sức mạnh trong tâm thì nó sẽ lên đường xâu kết với năng lượng tâm từ của những người khác trong vũ trụ này để kết thành một hiệu ứng đáng kể. Hiệu ứng này không chỉ làm xoa dịu những nỗi khổ niềm đau tạm thời, mà còn giúp cho những nạn nhân kia không rơi vào vực thẳm của tâm thần hay trầm cảm, mau chóng hồi phục và có thể làm nên những điều kỳ diệu khác nữa.

Một người tạo ra năng lượng tâm từ đã có công năng to tát như vậy, nếu mười người hay một trăm người cùng thực tập thì sức chuyển hóa sẽ không thể nào lường nổi. Cho nên để cứu vãn tình trạng thiên tai hay chiến tranh đang còn diễn ra khắp nơi trên thế giới, con đường duy nhất là chúng ta phải buông bỏ sự ích kỷ hưởng thụ, để cùng nhau chế tác năng lượng tâm từ qua nhiều hình thức trong đời sống chánh niệm.

Một điều hết sức kỳ diệu là tâm từ càng lớn thì hiểu biết trong ta sẽ càng lớn, nghĩa là những phiền não trong tâm cũng không còn không gian để sống, vì không gian của phiền não chính là u mê. Đời sống không còn những u mê, không còn những nhận thức sai lầm là đời sống của một cõi bình an và hạnh phúc, con người biết sống trọn vẹn với chất liệu chân thật nguyên sơ của mình. Ðược như thế thì sự an lạc sẽ đến với mình và cộng đồng xã hội. Cho nên có câu:

"Miệng ta là cánh hoa sen
Một khi hé nở, một phen thơm lừng
Tiếng ta là gió mùa xuân
Một khi thổi nhẹ muôn dân mát lòng".

Tác giả:  T  Trúc Thái Phước ( TVTLSP  Hà Nội).

 

Mời bạn tham gia group trên Facebook của CLB Hiểu Và Thương